Bí quyết giao tiếp ăn điểm nơi công sở của bạn

Với nhân viên mới, trong phòng làm việc, bạn chưa biết ai đã li dị, ai đã lập gia đình, và ai là người chuyên chia rẽ tình đồng đội, vì thế bạn chỉ nên im lặng và cười.

Giao tiếp công sở chính là bước cơ bản đầu tiên giúp bạn gây thiện cảm với mọi người xung quanh. Tuần đầu tiên đi làm sẽ rất đáng nhớ nếu bạn biết cách giao tiếp với cấp trên và đồng nghiệp mới của mình.

Có thể bạn sẽ thấy lo lắng khi bước vào môi trường làm việc mới đầy bỡ ngỡ, mọi người nhìn bạn dò xét, những “con ma cũ” sẽ không bỏ qua bất cứ một cử chỉ hành động nào của bạn, dù bạn chẳng hề thấy họ nhìn mình. Nhưng bạn hãy coi đây là cơ hội tuyệt vời để bạn tạo ấn tượng tốt với sếp và những đồng nghiệp mới. Những bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn giao tiếp hoàn hảo ngày đầu đi làm:

1. Luôn thân thiện và lạc quan

Lời khuyên này khá rõ ràng và không cần giải thích gì thêm. Là nhân viên mới, điều cần nhớ là hãy chào và mỉm cười với tất cả những người bạn gặp kể cả khi bạn làm việc cho một công ty lớn, đông nhân viên và không biết ai với ai. Thậm chí khi không có ai đáp lại, bạn cũng không nên rụt rè, ngại ngùng hay thất vọng. Hãy bước đi với đầu ngẩng cao và nụ cười thân thiện trên môi. Đây là bước đầu tiên trong quá trình hình thành các mối quan hệ.

Mọi người sẽ ấn tượng trước thái độ lạc quan, vui tươi của bạn. Và chắc chắn sẽ có người bắt chuyện làm quen với bạn. Hãy cố gắng duy trì thái độ và hành động này trong mọi ngày làm việc để phát triển tình bạn lâu dài nơi công sở.

2. Đừng tỏ ra quá thân mật

Mới tuần đầu làm việc mà bạn đã xem nơi công sở như nhà riêng của mình. Bạn mang mọi thứ vào văn phòng, chưng diện những bức ảnh của mình, đặt sữa chua và thức ăn vào riêng một góc tủ lạnh, dùng ly uống café tùy tiện và bắt đầu mỗi buổi sáng bạn chỉ biết pha riêng cho mình một tách café. Đừng làm như thế với vai trò là một nhân viên mới. Đừng xâm phạm mảnh đất của người khác một cách tùy tiện như vậy. Nên nhớ, họ là những nhân viên làm việc lâu năm, bạn chỉ là một người mới đến.

3. Lắng nghe cũng là một nghệ thuật

Trên hết lắng nghe là cả một quá trình bạn phải rèn luyện, vì đa phần mọi người thường thích thể hiện bản thân bằng cách truyền đạt quá nhiều thông tin, trong khi đó lắng nghe bị lãng quên và xem thường.

Cho dù bạn đã hiểu biết nhiều về công việc mới thì bạn cũng nên lắng nghe khi được cấp trên nói về công việc. Ở mỗi một môi trường, tính chất công việc lại có sự khác nhau nhất định. Do vậy việc lắng nghe sẽ giúp bạn ứng xử linh hoạt hơn khi bắt tay vào công việc.

Bằng việc để ý những câu hỏi sếp đặt ra hoặc những vấn đề đang khiến sếp bận tâm, bạn có thể rút ra được những thông điệp lớn hơn về những điều họ sẽ để ý trong tương lai. Và một khi bạn đã học được cách để tiên liệu trước những vấn đề ngay từ khi sếp chưa hỏi, rõ ràng giá trị của bạn đã được nâng lên một tầm mới.

4. Chủ động xin ý kiến góp ý

Hãy chủ động xin ý kiến phản hồi từ cấp quản lý về những việc gì bạn đang làm tốt hoặc việc gì có thể làm tốt hơn. Đôi lúc những phản hồi có tính phê bình sẽ khiến bạn khó chịu nhưng đó lại chính là những điều hữu ích hơn cả bởi nó giúp bạn tiến bộ.

5. Không nên nói quá nhiều

Với nhân viên mới, trong phòng làm việc, bạn chưa biết ai đã li dị, ai đã lập gia đình, và ai là người chuyên chia rẽ tình đồng đội, vì thế bạn chỉ nên im lặng và cười. Sử dụng ngôn từ trung lập giọng nói nhẹ nhàng là cách hay nhất để giao tiếp với mọi người. Không được dùng tiếng lóng và những cụm từ hơi thô tục vào môi trường mới này và dù bất cứ tình huống nào.

6. Tránh tỏ ra quá giỏi giang

Trong ngày đầu, mắc lỗi là điều khó tránh. Khi đồng nghiệp hay sếp trách phạt, bạn đừng vội cãi hay bào chữa. Hãy cứ nhận lỗi và sửa sai, bào chữa hay thanh minh thì để dịp khác.

Đừng cố tỏ ra giỏi giang, “lấy le” với những người đi trước. Thái độ “ta đây” của một nhân viên mới khiến những người cũ dè bỉu. Cũng đừng tỏ ra ngây thơ thái quá, cái gì cũng hỏi, họ sẽ nghĩ bạn chẳng biết làm gì. Ấn tượng đầu tiên tốt đẹp sẽ dành cho người nhân viên chăm chỉ, có thái độ ân cần học hỏi, không lãng phí thời gian bằng mấy trò “buôn dưa lê” hay “chát chít”.

7. Tham gia các hoạt động ngoài công việc

Là nhân viên mới, bạn hãy tìm hiểu xem mọi người trong văn phòng có đi tối ở ngoài và nhậu nhẹt sau giờ làm vào ngày thứ 6 hay không. Nếu có, hãy tham gia cùng họ. Ra ngoài với đồng nghiệp, bên ngoài công việc sẽ giúp bạn nhận thấy tính cách thực sự của mỗi người.

Những hoạt động như thế sẽ tạo cơ hội để bạn nói chuyện với đồng nghiệp về những lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, đây là thời điểm thích hợp để bạn xác định ai là người mình muốn kết thân hơn và ai là người chỉ nên giữ mối quan hệ đồng nghiệp.

Dù là bạn chuyển từ nơi khác đến hay bắt đầu công việc mới ở địa phương, kết bạn với những người mới là một nhiệm vụ dễ dàng nhưng không kém phần quan trọng bởi họ sẽ trở thành một phần trong cuộc sống của bạn. Hãy thử áp dụng những lời khuyên trên để làm quen với đồng nghiệp cũng như vai trò mới của bạn.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *